Tư liệu từ phía Mỹ :
BARE FEET, IRON WILL (CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP)
James G. Zumwalt
Câu chuyện của Trung tá Thủy quân Lục chiến – James G. Zumwalt – con trai Đô đốc chỉ huy trưởng lực lượng Hải quân Mỹ tại Việt Nam.
(Phần trích về Quân Y Việt Cộng)
Trong chiến tranh Việt Nam, mối quan tâm lớn nhất của mỗi người lính chiến là sự hỗ trợ y tế một khi bị thương trên chiến trường.
Đối với lính Mỹ, sự hỗ trợ này nằm trong tầm tay. Việc cứu thương có ảnh hưởng tới nhuệ khí của quân đội nên sự chăm sóc y tế luôn được khẩn trương thực hiện. Việc chuyển thương bằng trực thăng cho phép binh lính Mỹ được chữa trị thường chỉ sau vài giờ.
Người Việt Nam ở bên kia chiến tuyến cũng đặc biệt quan tâm tới y tế, nhưng họ lại không có những điều kiện tương tự để chăm sóc cho thương binh của mình.
Có một sự khác biệt về thời gian phục vụ tại Việt Nam đối với một binh sĩ Mỹ so với một người lính Việt Nam. Lính Mỹ thường chỉ tham chiến tại Việt Nam trong mười hai tháng. Việc biết trước ngày xuất ngũ về mặt nào đó có tác dụng nâng cao ý chí cho binh lính Mỹ – mỗi buổi mai thức dậy đánh dấu một ngày nữa trôi qua, cũng có nghĩa là thời gian phục vụ tại Việt Nam được trừ bớt một ngày. Nhưng đối với các chiến binh Việt Nam, không bao giờ có khái niệm “người sắp về”. Đối với họ, thời gian chinh chiến là vô hạn.
Để tồn tại và duy trì chức năng của một bệnh viện chiến trường, nhóm của ông Đài đã phải ứng biến trong hoàn cảnh khắc nghiệt. “Thiếu thốn đủ đường. Chúng tôi thậm chí không có dao phẫu thuật”.
Đài và các thành viên trong bệnh viện nhanh chóng tìm ra cách thức để bù khuyết cho thiếu thốn. Ông rất hài lòng trước sự tìm tòi sáng tạo của nhân viên trong việc sử dụng những thiết bị dường như chẳng liên quan gì tới y tế. Điều trớ trêu là những vật dụng không liên quan tới y tế mà họ sử dụng vào mục đích chữa bệnh ấy lại đến từ một nguồn rất dồi dào nhưng lại ngoài mong đợi – đó là Chính phủ Mỹ.
Trong rất nhiều thiếu thốn mà Bệnh viện Quân y 211 đối mặt, thiếu thiết bị mổ là một bài toán nan giải. Ông Đài kể về việc xoay xở của đội ngũ nhân viên: “Chúng tôi sử dụng mảnh kim loại, thường là từ số bom không phát nổ của Mỹ. Chúng tôi lấy kim loại từ những quả bom đó để làm dao mổ và một số thiết bị khác. Chúng tôi cũng dùng kim loại từ vỏ đạn pháo, hoặc mảnh nhôm từ xác máy bay. Tất cả các nhu cầu về y tế được đáp ứng theo kiểu này – từ thiết bị phẫu thuật, hộp tiệt trùng y cụ, ống nghe…”.
Ông Đài nhấn mạnh: “Chúng tôi không bỏ phí thứ gì mà người Mỹ cung cấp”. Bất cứ phế liệu nào cũng được tháo tung rồi chế tác để sử dụng vào việc này việc kia. Chẳng hạn như pháo sáng được người Mỹ thả xuống vào ban đêm để quan sát hoạt động của quân Bắc Việt bên dưới đã cung cấp vật liệu cho rất nhiều ứng dụng: ống pháo sáng được dùng làm ống nghe; dây dù được tách ra để làm chỉ khâu y tế; vải dù dùng để băng bó.
Khi phát hiện máy bay rơi, người ta nhanh chóng đến tìm kiếm những vật liệu còn sót lại để dùng. Dây điện được tháo từ máy bay, sau đó tách vỏ cao su ra khỏi lõi kim loại. Vỏ cao su dùng làm ống truyền tĩnh mạch.
“Người Mỹ giúp chúng tôi rất nhiều trong thời buổi thiếu thốn thiết bị”, ông Đài cười.
Bệnh viện cũng thiếu ống tiêm. Một lần nữa, các nhân viên y tế dựa vào trí sáng tạo của mình. “Thoạt tiên, chúng tôi không có cách nào đựng thuốc để tiêm”, ông Đài giải thích. “Chúng tôi phải dùng lại nhiều lần ống tiêm thủy tinh. Sau khi tiêm kháng sinh hoặc một vài loại thuốc khác, chúng tôi giữ lại ống tiêm để dùng tiếp. Nhưng không thể giữ tất cả lại được… Vì thế, chúng tôi quyết định sản xuất ngay tại bệnh viện…Khi có một đơn vị mới từ Hà Nội vào, tôi hỏi sĩ quan chỉ huy rằng anh ấy có người thợ thủ công nào không. Anh ấy có ba người. Họ bảo tôi để làm ống tiêm thì chỉ cần thủy tinh hoặc chai lọ cũ là đủ. Từ đó, việc sản xuất ống tiêm trở nên rất dễ dàng.
Vào giai đoạn này – từ năm 1967 đến 1968 – chúng tôi bắt đầu giải phóng một số vùng ở Campuchia. Bên trong và xung quanh các cơ sở quân sự ở Campuchia có rất nhiều chai bia và sôđa rỗng, một nguồn vật liệu tốt để làm ống tiêm. Những thợ thủ công kia nói với chúng tôi rằng điều quan trọng nhất là xây cái hầm lò để đun thủy tinh. May thay lúc đó không hiểu sao có một ít gạch trong kho. Không biết ai đã lệnh đưa gạch tới đây nhưng chúng tôi có hơn chục viên gạch để làm lò.
Sức nóng của lò cũng là điều quan trọng. Rất dễ để có than củi ở trong rừng. Nhưng than củi không cho sức nóng tốt bằng than đá. Một người ở binh xưởng vũ khí rất rành về lĩnh vực này. Anh ấy nói có thể dùng than củi nhưng không phải loại thường. Đó là loại than củi được đốt trong điều kiện yếm khí. Loại than này cho nhiệt lượng cao. Chúng tôi đã làm theo chỉ dẫn của anh ấy.
Sau khi đã có lò nung và loại than cần thiết, chúng tôi bắt đầu nấu chảy thủy tinh. Các thợ thủ công sau đó thổi thành ống tiêm… Chúng tôi đã vận dụng sự sáng tạo của mình để sản xuất ống tiêm trong suốt cuộc chiến”.
Khi người Mỹ không cung cấp đủ vật liệu cần thiết đáp ứng nhu cầu của bệnh viện, ông Đài lại ứng biến – chẳng hạn khi thiếu chất cồn sát trùng dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.
“Chúng tôi có một ít thuốc khử trùng mang từ Bắc vào”. Đài nhớ lại. “Nhưng thiếu cồn trầm trọng. Vì thế tôi cử nhân viên tới gặp ‘người dân tộc’. (Người Việt Nam gọi các nhóm dân tộc ít người bản địa sống ở vùng rừng núi là “người dân tộc” hoặc đơn giản chỉ là “dân tộc”.) Họ biêt cách làm cồn. Họ thường nấu rượu – rượu gạo. Nhưng vấn đề khó khăn ở đây là chúng tôi không biêt cách ủ men. Vì thế chúng tôi tới gặp người dân tộc để tìm hiểu xem họ dùng lá cây gì để gây men. Sau đó, chúng tôi trồng sắn để lấy tinh bột phục vụ cho việc nấu cồn”.
Đội ngũ nhân viên Bệnh viện Quân y 211 còn học cách sử dụng chất liệu thảo mộc để chữa bệnh từ người dân tộc. Một số thứ dùng để gây buồn ngủ; một số khác được sử dụng như vitamin.
“Chúng tôi còn học từ đồng bào dân tộc cách để trị sốt rét – chẳng hạn như dùng giun đất”, ông Đài cho biết. “Chúng tôi nấu giun đất lên và lấy chất nhớt của nó để trị bệnh”. Những phương pháp này chưa có cơ sở lý luận khoa học, ông Đài nhìn nhận, nhưng người dân tộc thiểu số – dù có cuộc sống lạc hậu – xét về khía cạnh ứng dụng thảo mộc để chữa bệnh thì họ là bậc thầy. “Gần đây”, ông đưa dẫn chứng, “có một bài báo trên tạp chí ở Pháp cho biết cộng đồng y khoa đã nhìn nhận giá trị của loài giun đất”.
Việc cung cấp điện năng tối thiểu cho bệnh viện cũng là thách thức lớn. Ở những nơi có suối nước, người ta có thể xây trạm thủy điện nhỏ. Nhưng thông thường, họ dựa vào máy phát chạy dầu. Ông Đài hồi tưởng, trước năm 1967, “không có dầu để chạy máy phát nên quân của chúng tôi phải phục kích các đoàn xe đối phương để cướp dầu”.
Nhưng các trường hợp cấp cứu thì không thể chờ đợi dầu được. Bác sĩ phải phẫu thuật ngay khi người bị thương được đưa đến, dù lúc đó có dầu để chạy máy phát hay không. Vì thế, đối với đơn vị của ông Đài, nhiều khi phải dùng một nguồn năng lượng có sẵn – sức người. Người ta nối một chiếc xe đạp vào máy phát. Lúc Bác sĩ Đài đã sẵn sàng phẫu thuật cho bệnh nhân, một người có sức khỏe được cử ra đạp xe để làm chạy máy phát. Ban đầu đèn điện trong phòng mổ nhập nhòe khi máy phát hoạt động. Đến lúc người lính kia bắt được nhịp, đèn sáng ổn định hơn, và Bác sĩ Đài bắt tay vào phẫu thuật. Người lính đạp xe kia trở thành chiếc phao cứu sinh cho bệnh nhân, cung cấp điện thắp sáng trong phòng mổ cũng như vận hành các thiết bị liên quan. Khi người lính này mệt, người khác sẽ lên thay.
“Đôi khi”, ông Đài kể, “tôi phẫu thuật suốt đêm với nguồn điện được cung cấp bằng hình thức ấy”.
Việc thiếu điện còn gây ra nhiều vấn đề khác, chẳng hạn không thể dùng tủ lạnh để bảo quản máu. Những người lính khỏe mạnh không thể hiến máu vì họ phải giữ sức để chiến đấu ngoài mặt trận. Vì thế, trách nhiệm hiến máu dồn lên vai các nhân viên bệnh viện.
“Đội ngũ nhân viên y tế thường xuyên hiến máu”, ông Đài hồi tưởng. “Tôi cũng đã nhiều lần hiến máu cho bệnh nhân… Tôi thường hiến máu sau, chứ không phải trước, mỗi ca phẫu thuật”. (Vì lý do trên mà người ta phải thực hiện việc truyền máu trực tiếp từ người cho tới người nhận và không bao giờ vượt quá năm mươi đến một trăm mililít. Trước khi rời Hà Nội, các nhân viên đã được kiểm tra nhóm máu nên họ biết rằng mình có thể hiến cho ai và không thể hiến cho ai. Khi có người lính bất tỉnh và không xác định được nhóm máu của anh ta, một nhân viên nhóm máu O sẽ là người cho máu).
Đội ngũ y tế ở đây còn đối mặt với tình trạng thiếu giấy trầm trọng. Ông Đài diễn giải: “Chúng tôi cần ghi chú tình hình sức khỏe bệnh nhân nhưng lại thiếu giấy. Ban đầu, không có mẩu giấy nào. Chúng tôi thường bóc nhãn chai lọ rồi viết vào mặt sau”.
Mỗi năm, ông Đài thường tuyên dương các thành viên của bệnh viện vì những đóng góp cá nhân của họ, tặng họ giấy chứng nhận thành tích. Nhưng vì thiếu giấy trầm trọng, rốt cuộc ông đã sử dụng những tấm bằng khen để viết nhật ký sức khỏe bệnh nhân. Thế là đến lúc trao giải, ông phải vắt óc suy nghĩ phương cách mới. “Tôi chẻ tre ra và dùng mặt bên trong để viết bằng khen”, ông chia sẻ.
Sự thiếu thốn thường trực và nghiêm trọng nhất đó là thực phẩm. Nhiệm vụ cung cấp thức ăn lại dồn lên đầu đội ngũ nhân viên y tế, vốn đã phải căng sức với công việc chăm sóc và bảo vệ an toàn cho bệnh nhân.
Ông Đài kể: “Chúng tôi hầu như không được cung cấp lương thực, thực phẩm. Thế nên nhân viên phải tự xoay xở. Trong suốt tám năm, chúng tôi thường xuyên trồng sắn, chứ gạo nhận từ quân đội rất ít. Cùng với gạo, quân đội cũng cung cấp ít muối, bột ngọt. Nhưng chúng tôi phải trồng sắn để có cái ăn. Quân đội chu cấp gạo cho tất cả bệnh nhân là quá may mắn rồi. Chúng tôi còn tổ chức các nhóm săn và đánh cá để cái thiện bữa ăn. Đánh cá thì dùng lưới; còn đi săn thì dùng súng AK-47(súng tiểu liên tự động).
Chúng tôi săn lợn lòi, nai và khỉ. Khỉ là một phần thực phẩm dồi dào. Có lần, thậm chí chúng tôi còn giết thịt một con cọp. Chúng tôi cũng săn voi – rất nhiều voi. Trong năm đầu tiên ở miền Nam, chúng tôi giết mười tám con voi… Mỗi con voi cho hàng trăm cân thịt. Khi bắn hạ được một con voi, số thịt nào mà không bảo quản được thì phải ăn càng nhanh càng tốt. Mỗi con voi có thể cho chúng tôi thức ăn trong chừng một tháng.
Thịt (voi) bắt đầu ôi và bốc mùi sau hai mươi bốn giờ nên phải tìm cách để bảo quản. Đôi lúc thịt được trữ trong dòng suối mát. Lúc khác, chúng tôi lại phơi khô. Lại có lúc chúng tôi muối thịt, dù muối ở chốn rừng núi rất khan hiếm”.
Phát hiện con mồi chỉ là một trong nhiều vấn đề mà các thợ săn của ông Đài phải đối mặt. Sau khi giết con voi đầu tiên, họ gặp nhiều khó khăn khác:
“Ban đầu chúng tôi hầu như không thể xẻ thịt voi được vì da chúng rất dày. Một bác sĩ phẫu thuật liền đề nghị mổ bụng voi ra, sau đó đứng vào trong bụng và cắt từ trong ra ngoài. Nhân viên của tôi đã đứng vào bụng voi để xẻ thịt, máu ngập tới mắt cá. Thật khủng khiếp”.
Một số bộ phận của voi được ưa chuộng hơn những phần khác. “Những thứ ăn ngon nhất trong cơ thể voi”, ông Đài chia sẻ kinh nghiệm của một người sành ăn thịt voi,“là vòi và phần gần gan bàn chân”.
Không thể lấy hết thịt từ cơ thể con thú. “Không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể róc hết thịt”, Đài cho biết. “Khó mà xẻ thịt ở phía cơ thể con vật tiếp với mặt đất khi bị ngã xuống do trúng đạn. Phần thịt đó bị sức nặng toàn bộ cơ thể voi đè lên nên bị nén rất chặt, không cắt được”.
Khi xẻ thịt voi được rồi, việc vận chuyển cũng là thách thức lớn.
“Chúng tôi hối hả lấy càng nhiều thịt càng tốt”, ông Đài giải thích. “Có điều địa điểm nơi voi bị bắn thường ở rất xa bệnh viện – hầu hết đều cách xa chừng năm mươi cây số để tránh làm lộ cơ sở chữa bệnh. Mỗi khi bắn xong là xạ thủ phải trở về bệnh viện để gọi thêm người tới róc thịt và vận chuyển chiến lợi phẩm. Thời gian cho việc vận chuyển khá dài, đến nỗi nhiều lúc thịt bắt đầu bốc mùi khi về tới nơi”.
Mùi vị thịt voi thật chẳng xứng với công sức mà người ta bỏ ra. “Thịt voi – tương tự thịt cọp – chẳng ngon lành gì”, ông Đài tâm sự.
Dù thế, người ta vẫn cố lấy càng nhiều thứ càng tốt từ con vật bị giết – ngay cả xương cũng được tận dụng. Xương voi và cọp được nghiền nát rồi trộn với một số thứ khác để tạo nên loại rượu thuốc trị thấp khớp.
Việc săn bắt và đánh cá không thể cung cấp đủ thức ăn cho đội ngũ nhân sự bệnh viện. Vì thế họ buộc phải làm ruộng.
“Chúng tôi có một quy định”, ông Đài cho biết. “Mỗi đơn vị đều phải trồng sắn. Phải trồng tới một trăm hécta mỗi năm để có đủ lương thực cho đơn vị. Cách trồng sắn rất thô sơ. Đầu tiên, chúng tôi tìm những khu đất thích hợp trong rừng, tốt nhất là một khu đất phẳng, gần suối. Thông thường những nơi này có nhiều cây cối, chúng tôi phải đốn xuống và chờ đến khi xác cây khô vào tháng Ba hoặc tháng Tư – lúc mùa mưa bắt đầu. Đến lúc đó chúng tôi đốt xác cây để dọn sạch khu đất. Chúng tôi dọn hết các cây còn sót lại. Sau đó thì trồng sắn và lúa. Trỉa lúa là việc rất khó. Chúng tôi dùng hai cây gậy – người đi trước cầm gậy chọc xuống đất tạo thành hai lỗ. Người đi sau thả hạt lúa vào lỗ rồi nhanh chóng khỏa đất để lấp hạt lúa lại, bằng không chim sẽ ăn mất. Rồi chúng tôi chờ tới mùa mưa. Lúa chín và chúng tôi thu hoạch. Việc thu hoạch đều làm bằng tay – không dùng bất cứ công cụ nào, chẳng hạn cái hái, vì loại lúa này rất dễ rụng. Chúng tôi không cắt lúa cũng vì lý do an ninh nữa. Khi đang thu hoạch, máy bay có thể lượn trên đầu. Thế nên việc chừa lại cây lúa là để có chỗ ẩn nấp… Bất cứ nhân viên nào rảnh đều phải lặn lội nguyên ngày từ bệnh viện tới rẫy để thu hoạch… Họ tránh bị phát hiện bằng cách ngồi xổm giữa những bụi lúa, rồi lấy tay tuốt cho hạt lúa rời ra và bỏ vào chiếc giỏ mang sau lưng. Bằng cách này, họ tránh bị phát hiện”.
Lính Việt Nam trong khu vực thường tiếp xúc với các cộng đồng dân tộc ít người, vốn đã định cư ở đây hàng ngàn năm. Ông Đài nhớ lại chuyện liên quan tới một anh lính và cô gái người dân tộc trẻ đẹp. “Người dân tộc rất hồn nhiên”, ông nói. “Có lần chúng tôi dừng chân ở điểm phát lương thực cho bộ đội. Tôi chợt thấy một cô gái dân tộc đứng gần đấy tỏ vẻ rất giận dữ. Người dân tộc rất tốt bụng nhưng cũng dễ nổi nóng. Tôi liền tiến đến và hỏi điều gì khiến cô ấy bực mình như thế. Nhưng cô ta chỉ lặp đi lặp lại: ‘Một là một, hai cũng là một’. Cô ấy cứ nhắc đi nhắc lại câu đó, và sau mỗi lần nói thì nỗi giận dữ càng dâng lên. Tôi cố hỏi cô ta có điều gì phiền toái vậy và câu ‘Một là một, hai cũng là một’ nghĩa là gì. Cô ấy không muốn nói với tôi nhưng tôi cứ nài nỉ mãi. Cuối cùng cô ấy mới chịu nói.
Số là có một anh lính bảo rằng nếu cô cho anh ta sờ vú thì anh ta sẽ tặng cô một chiếc kẹp tóc. Cô gái đồng ý và để cho anh ta làm điều đó. Anh ta tiến tới chạm tay vào cả hai vú của cô – nhưng chỉ đưa cho cô một chiếc kẹp.
‘Anh ta sờ hai bên’, cô gái nói. ‘Lẽ ra anh ta phải đưa cho tôi hai chiếc kẹp’. Khi cô gái kết thúc câu chuyện, tôi hỏi người nào đã làm điều đó với cô. Tôi nhìn quanh và phát hiện một anh lính trẻ đang nhìn chúng tôi rồi chợt quay mặt đi lảng tránh. Tôi biết đó là thủ phạm. Tôi gọi anh chàng và hỏi tại sao lại làm điều đó với người ta. Anh chàng còn rất trẻ, mép lún phún ria. Tôi nói với anh ta rằng làm như vậy là không nên. Và tôi bảo anh ta, giờ đã lỡ làm rồi thì cũng không nên ăn gian làm gì. Anh chàng bối rối thừa nhận: ‘Tại em chỉ có mỗi cái kẹp thôi’”.
Người dân tộc nhiều khi là nguồn cung cấp một số vật dụng cần thiết. Để có được điều đó, người ta phải thực hiện đổi chác – thông qua một tiến trình thương lượng mà người dân tộc luôn tỏ ra rất thành thạo và giỏi sắp xếp.
“Họ không dùng tiền mặt. Thậm chí họ không biết sử dụng tiền như thế nào, điều này không phải là trở ngại bởi lính tráng chúng tôi cũng chẳng có tiền. Vì vậy, chúng tôi thường trao đổi… Chẳng hạn, nếu anh muốn mua một con lợn, anh phải đưa cho họ một số thứ có giá trị tương đương. Có lần tôi đưa cho nhân viên chiếc đồng hồ và bảo cậu ta đi đổi một con lợn của đồng bào. Nhưng khi trở về, câu ta bảo không đổi được. Cậu ta kể rằng người dân tộc nói họ không thể đeo đồng hồ khi bơi dưới suối. À, thì ra chiếc đồng hồ Liên Xô này không có tính năng chống thấm. Người dân tộc thường xuống suối đánh cá và họ đủ thông minh để biết rằng chiếc đồng hồ đó không phù hợp”.
Ông Đài nhớ lại một lần trao đổi khác: “Có hôm tôi đem mấy chiếc quần đùi đi đổi một con lợn. Tôi tới ngôi làng gần đấy. Người dân tộc mà tôi gặp bảo rằng ông ta sẵn sàng đổi lợn lấy quần đùi. Nhưng ông ta chỉ chịu đưa cho tôi con lợn bé tí. Tôi thấy có con lợn to hơn liền nói với ông ta rằng tôi muốn con kia. Ông ấy liền hét lên rằng nếu tôi đem tới chiếc quần rộng hơn thì ông ta mới chịu đổi con lợn lớn hơn”.